Việt Nam chắc chắn có tiềm năng trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu tiếp theo của Đông Nam Á, một số chuyên gia nhận định.
Xu hướng khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu, khi đất nước thu hẹp khoảng cách với 2 nước dẫn dầu khu vực là Indonesia và Singapore.
Theo nghiên cứu chung của công ty đầu tư mạo hiểm ESP Capital và Cento Ventures của Singapore, đầu tư vào startup Việt Nam đã đạt 246 triệu USD trong năm nay, với 56 thương vụ tính đến hết tháng 6. Con số đó dự kiến sẽ đạt 800 triệu USD vào cuối năm nay, tương đương với mức tăng ít nhất 80% so với 444 triệu USD của năm ngoái.
Tổng cộng có khoảng 5,9 tỷ USD đã được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2019. Việt Nam chiếm 17% đầu tư khởi nghiệp trong khu vực, tăng từ mức 5% cho cả năm 2018, sau Indonesia ở mức 48% và Singapore ở mức 25%.
Đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam bắt đầu tăng vào năm ngoái, khi các lĩnh vực bán lẻ, thanh toán và giáo dục trực tuyến thu hút lượng vốn khổng lồ.
Momo, ứng dụng thanh toán điện tử, nằm trong số những startup gọi được vốn lớn vào năm ngoái, khi công ty được Warburg Pincus, công ty đầu tư tư nhân của Mỹ, rót 100 triệu USD.
Theo báo cáo của ESP - Cento, năm nay, Tiki đã nhận được một khoản tiền lớn, nhưng con số không được tiết lộ. Nền tảng thương mại điện tử này được cho là đã huy động được 75 triệu USD trong tháng 3 từ các nhà đầu tư do công ty cổ phần tư nhân Singapore Northstar Group dẫn đầu. VNPay, công ty giải pháp thanh toán, đã huy động 50 triệu USD từ quỹ nhà nước Singapore GIC, trong khi VNG nhận được 29 triệu USD từ Temasek Holdings.
Các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn cũng đang được thành lập. Luxstay, một công ty khởi nghiệp chia sẻ phòng như Airbnb, đã huy động được 4,5 triệu USD trong tháng 5 và KiotViet, nhà điều hành hệ thống điểm bán hàng, đã nhận được 6 triệu USD trong tháng 8, theo cơ sở dữ liệu của Crunchbase.
Các thương vụ rót vốn từ các tổ chức nước ngoài vào startup Việt trong nửa đầu năm 2019.
Với quy mô dân số lớn khoảng 96 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt - ở mức 6,7% , nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Các dịch vụ công nghệ tự phát triển, trong các lĩnh vực như thanh toán điện tử, gọi xe, thương mại điện tử và hậu cần đang bùng nổ.
"Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng khi các thành phần chính của nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ đang bắt đầu hình thành", báo cáo của ESP-Cento lưu ý. Báo cáo cho biết nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dân số trẻ, trong đó 60% ở độ tuổi dưới 35, và tỷ lệ thâm nhập di động và internet vẫn đang tăng lên. Nghiên cứu cho biết hơn 10 triệu người tiêu dùng sẽ mua sắm trên mạng vào năm 2023.
Tỷ trọng vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài vào các startup Việt Nam so với khu vực Đông Nam Á đang tăng lên.
Việt Nam cũng có lực lượng lao động có trình độ học vấn cao, học sinh của Việt Nam xếp thứ tám toàn cầu trong bài kiểm tra khoa học quốc tế PISA, cao hơn Hồng Kông và Hàn Quốc. Cùng với chi phí lao động tương đối thấp, Việt Nam từ lâu đã là một trung tâm gia công phần mềm ở châu Á, có các công ty CNTT nội địa lớn như FPT .
“Nhưng bây giờ các chuyên gia công nghệ đang chuyển từ các doanh nghiệp gia công sang các startup”, bà Lê Hoàng Uyên Vy, đối tác của ESP Capital cho biết. “Sự nổi lên của một vài công ty khởi nghiệp địa phương mang tính biểu tượng, chẳng hạn như VNG, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người nghĩ về việc bắt đầu một công ty thay vì làm gia công”, bà Vy nói.
Bà Vy cũng lưu ý rằng sự xâm nhập mạnh mẽ của các công ty khởi nghiệp lớn trong khu vực, như Grab, vào thị trường Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều cơ hội hơn bằng cách đưa ra mức lương cao hơn cho các chuyên gia công nghệ.
Grab đã tham gia thị trường vào năm 2014, trong khi Go-Jek của Indonesia thì tham gia năm 2018. Grab có một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại TP.HCM với hơn 100 kỹ sư. Công ty đã tuyên bố tuần trước họ sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng năm năm tới.
Trong không gian thương mại điện tử, các nền tảng như Shopee và Lazada của Singapore, là một trong những trang web được truy cập nhiều nhất.
Các doanh nhân có trình độ học vấn cao cũng đang giúp định hình hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Elsa, công ty khởi nghiệp giáo dục có trụ sở tại Thung lũng Silicon và được điều hành bởi bà Văn Đinh Hồng Vũ - người tốt nghiệp đại học Stanford, có khoảng một nửa trong số 40 nhân viên tại TP.HCM để phát triển kinh doanh ứng dụng học tiếng Anh tại quê nhà.
“Sự hỗ trợ của chính phủ, thông qua các chương trình vườn ươm khởi nghiệp, cũng đã và đang đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp của đất nước”, bà Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ. Và "Chính phủ hiện quan tâm nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các công ty khởi nghiệp là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam.", bà Vy cho biết thêm.
“Dù không gian khởi nghiệp của Đông Nam Á đã được dẫn dắt bởi Indonesia và Singapore, với 6 trong số 8 kỳ lân của khu vực. Việt Nam chắc chắn có tiềm năng trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu tiếp theo của Đông Nam Á", nghiên cứu của ESP-Cento nhận định.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư