TP. Hồ Chí Minh phòng chống rửa tiền trong kinh doanh bất động sản.
Thực hiện phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các doanh nghiệp, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định pháp luật.
Thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao.
Lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch sửa tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng và Cục Phòng chống rửa tiền- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đánh giá rủi ro tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức mình về các giao dịch bất động sản, kết quả gửi về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng và Cục Phòng chống rửa tiền- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 15/9/2019 để thống kê, theo dõi phục vụ công tác thanh tra, giám sát.
Đối với Thanh tra Sở Xây dựng, lãnh đạo Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và có báo cáo tổng hợp gửi về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.
Trước đó vào ngày 8/7/2019, Bộ Xây dựng đã có công văn 1590/BXD-QLN gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Bộ Xây dựng đề nghị các Sở Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ, Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo báo cáo của UBND Tp. Hồ Chí Minh, 8 tháng năm 2019, thành phố có 28.465 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 456.007 tỷ đồng trong đó số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 7,3%. Tuy nhiên xét về vốn đăng ký, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (39,6%), tiếp theo là xây dựng chiếm 17,3%; bán buôn và bán lẻ.
Về phát triển doanh nghiệp nước ngoài (FDI), 8 tháng năm 2019 thành phố cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 816 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 754,07 triệu USD. Hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (chiếm 33,2%), tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (30,1%), bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (18,7%)...
Theo Tạp Chí Tài Chính