Cho đến thời điểm hiện nay, OFID đã cho Việt Nam vay 20 Dự án và chương trình với tổng vốn 238,65 triệu USD.
Theo đó, dự án "Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng" có tổng mức đầu tư là 61,37 triệu USD, trong đó vốn vay Quỹ OFID là 45 triệu USD, vốn đối ứng trong nước khoảng 16,37 triệu USD được bố trí từ nguồn ngân sách của thành phố Đà Nẵng.
Cơ quan chủ quản của Dự án là UBND thành phố Đã Nẵng và cơ quan thực hiện - chủ đầu tư là Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Cơ sở Hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng.
Mục tiêu của dự án ký kết nhằm xây dựng hoàn chỉnh khoảng 14,3 km tuyến đường Vành đai phía Tây 2, có bề rộng khoảng từ 44-48m, các cầu trên tuyến có bề rộng 38,5m và hạ tầng kỹ thuật khác gồm hệ thống thoát nước, cống kỹ thuật, cây xanh, điện chiếu sáng và di dời các công trình hạ tầng hiện trạng.
Song song với đó, xây dựng hoàn chỉnh khoảng 1,2km đường trải nhựa kết nối cầu Cổ Cò tới nút giao đường Trần Đại Nghĩa, đường Võ Chí Công và các hạ tầng kỹ thuật khác.
Thi công 100m cầu vắt ngang sông Cổ Cò và nối từ đường Võ Quí Huân tới đường Võ Chí Công.
Dự án dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022 sẽ góp phần giúp thành phố Đà Nẵng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách hiệu quả và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện đi lại của người dân thành phố Đà Nẵng.
Được thành lập vào tháng 1/1976, mục đích hoạt động của Quỹ là tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên OPEC với các nước đang phát triển khác.
Ngoài ra, Quỹ còn trợ giúp đặc biệt để phát triển kinh tế xã hội đối với các nước nghèo, có thu nhập thấp.
Cho đến thời điểm hiện nay, OFID đã cho Việt Nam vay 20 Dự án và chương trình với tổng vốn 238,65 triệu USD và đang tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển tại Việt Nam.
Các dự án của OFID thuộc nhiều lĩnh vực gồm giao thông, thuỷ lợi, xoá đói giảm nghèo, y tế và giáo dục, phát triển đô thị.
Các dự án triển khai chủ yếu trên địa bàn các tỉnh và phù hợp với các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Theo VnEconomy