Vì sao ô tô giá rẻ vẫn là phương tiện tương lai của phần lớn người Việt?

Written by  - Wednesday, 28 August 2019

Nếu tại Nhật, người dân nước này coi những chiếc keicar là ưu tiên số một trong lựa chọn xe đi lại, hoặc giả là các dòng xe nội địa, xe của hãng Nhật sẽ được lựa chọn thì tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng xe hơi đang đa dạng hơn, phức tạp và khó nắm bắt hơn.

Vì sao ô tô giá rẻ vẫn là phương tiện tương lai của phần lớn người Việt?

Giá đắt, chi phí nuôi xe lớn nên xe hơi đối với phần lớn người dân Việt vẫn là mơ ước.

Loay hoay tìm xe chiến lược cho Việt Nam

Rất nhiều chuyên gia về xe hơi Việt Nam cho biết hiện không có câu trả lời rõ ràng về dòng xe chiến lược cho người Việt. Dựa vào số tiêu thụ xe hơi hiện nay, sedan vẫn là dòng xe có doanh số cao nhất, chiếm khoảng 50 - 60% thị phần tiêu dùng và thị trường xe du lịch Việt. Tuy nhiên, để chọn sedan là xe chiến lược cho Việt Nam không hề dễ.

Trong khi đó, ở phân khúc đang nóng bỏng hiện nay là xe giá rẻ hatchback, trong hai năm trở lại đây, dòng xe này nhận được sự quan tâm rất lớn trên thị trường với doanh số cao. Tuy nhiên, qua thời gian dòng xe này đã tỏ rõ nhược điểm: Gầm thấp, chở ít người, tiêu chuẩn xe không cao, dễ tổn thương do ngập lụt đô thị và là sự lựa chọn thứ yếu để di chuyển xa.

Với ưu điểm là giá rẻ, dáng nhỏ gọn, phù hợp với đường sá nhỏ hẹp ở đô thị, hatchback đã tỏ rõ sự lợi hại ở thành thị và mấy năm nay, dòng xe này đã được rất nhiều ông lớn đổ bộ đầu tư.

Hiện, xe có giá từ 300 đến dưới 500 triệu đồng được mặc định là xe giá rẻ ở Việt Nam, hai thương hiệu đi đầu phân khúc này là Kia Morning và Hyundai Grand i10. Tuy nhiên, gần đây các ông lớn này cũng phải chia sẻ thị trường xe phân khúc nhóm A cho các đối tác nhập khẩu khác như Honda với Brio hay Toyota với Wigo và hãng xe nội địa VinFast với mẫu Fadil.

Theo chuyên gia ô tô của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường có, nguồn cung dồi dào là cơ sở để Việt Nam ưu tiên, chọn các mẫu hatchback làm xe chiến lược, "xe quốc dân" của mình giống như Keicar của Nhật, pickup của Thái Lan chẳng hạn.

Tuy nhiên, để lựa chọn dòng xe hatchback giá rẻ này làm xe chiến lược, không phải ai cũng hài lòng, nhất là bối cảnh người Việt có mức thu nhập thấp, để mua chiếc xe giá rẻ, họ phải dành dụm tiêu dùng ít nhất 2 - 3 năm, nhiều có thể 5 - 10 năm. Xe giá rẻ tại Việt Nam thực tế chỉ rẻ so với thu nhập của người dân đô thị, còn đối với nông thôn, nó vẫn là phương tiện giao thông tương lai.

Theo cách tính thu nhập bình quân GDP/người của người Việt, năm 2018, thu nhập của người Việt vào khoảng 59 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, theo các báo cáo của Nielsen, Q&Me, người Việt chi tiêu khoảng 50% tổng thu nhập cho các hoạt động nhà ở, ăn uống, mua sắm gia đình, chữa bệnh; 20% dành cho con cái học tập và cưới hỏi, lễ nghĩa... còn lại mới là khoản tiền dành cho tiết kiệm.

Người Việt phải bỏ nhiều tiền để chơi xe

Như vậy, với hộ có thu nhập bình quân đầu người bằng với bình quân chung của cả nước, nếu sức khỏe tốt sẽ phải mất ít nhất 3 năm mới đủ tiền tiết kiệm mua xe.

Nhiều dòng xe giá rẻ tại Việt Nam nhưng do thu nhập bình quân đầu người thấp,
đa số người Việt khó sở hữu được xe trong thời gian ngắn.  

Trong khi đó, hơn 90% người sở hữu xe hơi là những người thu nhập trung bình hoặc cao ở Việt Nam, chính vì vậy chiếc xe không còn chỉ là phương tiện di chuyển mà để thể hiện sự an toàn, vị thế trong xã hội và thuận lợi trong các quan hệ đối tác. Chính vì vậy, những chiếc xe quá rẻ, quá nhỏ, nghiễm nhiên không được chọn.

Theo lời một giám đốc truyền thông của tập đoàn xe hơi tại Việt Nam: "Để kinh doanh ổn định, tôi luôn muốn chọn các dòng xe giá rẻ. Nhưng để có lợi nhuận, tôi phải chọn dòng xe cao cấp hơn".

Gần đây, thị trường xe hơi Việt nổi lên các dòng xe đa dụng cỡ nhỏ, xe đô thị có kiểu dáng bắt mắt và phù hợp với đa số tầng lớp người dân giàu nhanh.

Theo thống kế của VAMA, doanh số các dòng xe SUV và MPV trong 7 tháng qua đã tăng mạnh, cụ thể lượng bán ra xe SUV đạt hơn 32.000 chiếc, tăng gần 20.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu dùng xe SUV đang bằng gần 60% so với xe sedan. Trong khi đó, mẫu xe MPV cũng có doanh số đạt hơn 18.500 chiếc, tăng hơn 7.500 chiếc so với cùng kỳ. Cả hai dòng xe đều có mức tăng mạnh hơn so với mức tăng doanh số của mẫu sedan.

Không thể phủ nhận thực tế, các dòng xe đa dụng đô thị của SUV, MPV hiện nay có giá bán đều trên 600 triệu đồng/chiếc, cộng chi phí lăn bánh có thể lên trên 700 triệu đồng, gấp 11 lần thu nhập/năm của người Việt bình thường. Như vậy, nếu phải ăn dè hà tiện, tiết kiệm 11 năm, theo thu nhập hiện nay người bình thường mới có thể mua được xe.

Theo ông Nguyễn Việt, một doanh nghiệp kinh doanh xe hơi tại Việt Nam: "Việt Nam đã từng chọn xe chiến lược là các dòng MPV gia đình, có khung trục của các dòng xe cỡ lớn chở được cả gia đình, kinh tế hơn và nếu doanh nghiệp nắm vững thiết kế có thể cho nhiều biến thể khác nhau. Tuy nhiên, sau khi nội địa hóa Innova dừng lại, từ đó đến nay không còn dòng xe chiến lược của Việt Nam, về cơ bản Việt Nam không có dòng xe chiến lược, thị trường chạy theo xu hướng của người tiêu dùng và doanh nghiệp đặt ra, về lâu dài sẽ không có lợi cho nhóm doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, lắp ráp xe trong nước".

Theo Dân Trí

 

전략적 파트너십