Thực tế, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… không phải là những thị trường được giới đầu tư địa ốc chú ý những năm qua nhưng giá BĐS mềm, những thay đổi hạ tầng lớn của tỉnh thời gian gần đây lại là yếu tố tạo ra sức đột phá cho thị trường BĐS nơi đây.
Không thể phủ nhận hạ tầng kết nối đang mở ra cơ hội thu hút doanh nghiệp đầu tư vào thị trường BĐS của tỉnh Bến Tre. Có thể kể đến như tuyến đường thủy du lịch Bến Tre - Vũng Tàu với các công trình như Cầu Rạch Miễu 1 và 2 nối Bến Tre với Tiền Giang; điều chỉnh quy hoạch tỉnh lộ 883 thành Quốc lộ 57B; xây dựng liên ấp 8 xã đang trong quá trình hoàn thiện….Các yếu tố hạ tầng này được xem là đòn bẩy thúc đẩy và khơi thông cho thị trường BĐS Bến Tre trong dài hạn.
Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Bến Tre muốn bứt phá thì cần có 4 thành tố: Quỹ đất cho các nhà đầu tư; hạ tầng điện, giao thông phù hợp với quy hoạch và có chất lượng cao; các cấp chính quyền phải thực sự cầu thị và đổi mới. Những yếu tố này cơ bản đang được địa phương này thực hiện và từng bước thu hút nhà đầu tư về thực hiện các dự án quy mô.
Ngoài ra, trong khi hạ tầng được đầu tư mang tính kết nối tốt nhưng giá BĐS tại Bến Tre vẫn đang dao động ở con số hết sức “khiêm nhường”. Đây được xem là một lợi thế của khu vực so với mặt bằng chung của các tỉnh Nam Bộ. Đó cũng chính là lý do thời gian gần đây, cả doanh nghiệp BĐS lẫn các NĐT cá nhân có dấu hiệu dồn về thị trường này để đón sóng tiềm năng của khu vực.
Trong khi các thị trường của tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Cần Thơ…hầu hết các dự án BĐS đã có thời gian tăng trưởng giá kéo dài thì Bến Tre, Tiền Giang hay Vĩnh Long lại được xem là những thị trường còn khá “hoang sơ”, do đó dư địa tăng trưởng được dự báo còn lớn. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp đã tìm đến thị trường này để đón đầu cơ hội.
Tương tự, khá nhiều doanh nghiệp BĐS cũng tấn công thị trường Bến Tre bằng các dự án khu dân cư quy mô nhỏ, vừa thời gian gần đây. Chẳng hạn, sát Tp.Bến Tre, một doanh nghiệp BĐS tư nhân hiện đang chào bán nền đất tại dự án KDC An Phú với diện tích nhỏ nhất từ 100m2 với mức giá trên dưới 15 triệu đồng/m2 . Hay đất nền tại dự án đường 883 (huyện Châu Thành) được chủ đầu tư chào giá khởi điểm từ 900 triệu đồng cho diện tích 120m2.
Tuy nhiên, mặc dù làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp về các khu vực mới của miền Tây như Bến Tre ngày càng rõ nét nhưng nhìn chung Bến Tre chưa có nhiều dự án quy mô được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, là hiếm dự án quy mô gần biển, đón sóng thêm nhu cầu về du lịch sinh thái tại khu vực này.
Trao đổi về câu chuyện BĐS gắn liền với phát triển du lịch sinh thái của tỉnh, đại diện bí thư huyện Thạnh Phú cho biết, trong định hướng phát triển, huyện sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; du lịch biển, du lịch văn hóa, lịch sử sẽ gắn kết chặt chẽ với các dịch vụ nông nghiệp.
Huyện đặt mục tiêu sau năm 2020 sẽ đón khoảng 610 ngàn lượt khách/năm, doanh thu khoảng 150 tỷ đồng; đến năm 2030, huyện sẽ đón khoảng 1 triệu lượt khách/năm, trở thành điểm thu hút du lịch hàng đầu của tỉnh. Đây cũng chính là yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của thị trường BĐS tại khu vực này.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông phát triển đã kết nối các điểm du lịch biển, di tích lịch sử, văn hóa sẽ kết nối với các khu dân cư, thương mại dịch vụ và vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện với nhau. Yếu tố này vừa phục vụ tốt cho ngành du lịch, vừa có thêm động lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó mời gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng ngày càng tốt hơn.
Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 408 ha. Hiện tại, Bến Tre đã có 10 cụm công nghiệp được thành lập, tổng diện tích 347,28 ha, có 7 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 264,37 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 191,33 ha, đã cho thuê trên 83 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 50% diện tích đất công nghiệp.
Địa phương đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.Theo các chuyên gia, đây cũng là lực cầu lớn cho thị trường BĐS khu vực này trong tương lai.
Các khu vực mới của miền Tây Nam Bộ dù chưa nổi trội về yếu tố kinh tế, xã hội nhưng tiềm năng về phát triển hạ tầng cũng như những định hướng của tỉnh đã và đang tạo tiền đề rõ nét để thu hút các doanh nghiệp lớn đổ về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Trong đó, thị trường BĐS đã có dấu hiệu rục rịch vài năm trở lại đây. Từ một số dự án quy mô đang “manh nha” ra thị trường đã tác động rõ nét đến thị hiếu của NĐT cá nhân ở các khu vực lân cận về tìm kiếm đất nền. Theo ghi nhận, với các dự án được quy hoạch bài bản, hạ tầng đồng bộ, thanh khoản của dự án khá tốt, trong đó ghi nhận lượng lớn NĐT từ khu vực Tp.HCM tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lâu dài.
Theo CafeF