CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HoSE: VDS) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8.
Cụ thể, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trong nửa đầu năm 2019 đúng như kỳ vọng của Rồng Việt Research: phân hóa! Trong khi các công ty vốn hóa lớn báo cáo tăng trưởng lợi nhuận tích cực, bức tranh KQKD của các doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ lại không mấy khả quan. Do vậy, VDSC cho rằng hiệu ứng tích cực trong tháng 7 của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khó có thể lan tỏa ra toàn thị trường. Mặc dù hàng loạt các loại lãi suất (OMO, tín phiếu 7 ngày, là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các ngành ưu tiên) giảm, xu hướng này hiện tại vẫn chưa đủ để kết luận rằng NHNN đang bắt đầu nới lỏng tiền tệ. Do đó, thanh khoản thị trường sẽ không đủ mạnh để giữ VN-Index trên 1.000 điểm trong tháng 8.
Người mua có vẻ vẫn cẩn trọng và trong một kịch bản như vậy, một phần dòng tiền sẽ có khuynh hướng chảy vào các cổ phiếu có câu chuyện hoặc có kết quả kinh doanh tích cực nhưng đôi khi kém thanh khoản. Một số cổ phiếu bất động sản vốn hóa trung bình rơi vào nhóm trên. Trên thực tế, nếu loại trừ đóng góp thu nhập từ nhóm cổ phiếu VIN, lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm của một số doanh nghiệp BĐS có vốn hóa trung bình nhỏ như NTL, HDG, HDC, NDN v.v... hơn 46% so với cùng kỳ. VDSC muốn lưu ý rằng mức tăng trưởng cao của các công ty này phần lớn được đóng góp bởi các dự án đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng. Do vậy, động lực cho tăng trưởng trong vài năm tới của các cổ phiếu này sẽ là yếu tố mà các nhà đầu tư nên cố gắng làm rõ. Nếu động lực tăng trưởng không được duy trì, việc giải ngân vào các cổ phiếu này cần cân nhắc yếu tố thời điểm, bởi hầu hết các cổ phiếu này đã tăng giá khá mạnh từ đầu năm đến nay.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang dẫn đến kỳ vọng một số ngành nghề sẽ tiếp tục được hưởng lợi như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, kho vận, v.v. Tuy nhiên, như đã đề cập trong báo cáo chiến lược tháng trước, VDSC nghĩ rằng ngành thủy sản có thể sẽ không có lợi ích đáng kể. VDSC cũng tin rằng cho đến khi các công ty dệt may Việt Nam giải quyết vấn đề ‘xuất xứ hàng hóa từ sợi’, các doanh nghiệp thuộc ngành này cũng sẽ chưa được hưởng lợi lớn.
Một số nhóm ngành đáng lưu ý
Bất động sản công nghiệp
Trong khi đó, xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác, bao gồm cả Việt Nam vẫn đang tiếp tục. Những hành động gần đây của Trump khiến xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, triển vọng cho các khu công nghiệp, kho vận hiện tại khá khả quan. Ở nhóm BĐS khu công nghiệp, KBC và VGC sở hữu các KCN ở phía Bắc, có thể là những công ty đầu tiên hưởng lợi tích cực. Ở phía Nam, các quỹ đất của các khu công nghiệp đã tạm thời cạn kiệt do vướng mắc trong các vấn đề về thủ tục và/hoặc bồi thường.
SZC trở thành điểm sáng với 689 ha đất cho thuê gần như đã hoàn thiện pháp lý và có chi phí tương đối thấp. Theo cập nhật mới nhất, tổng diện tích cho thuê lũy kế ở KCN Sonadezi Châu Đức đã đạt 400 ha vào cuối quý 2/2019 (giá cho thuê trung bình là 50 USD mỗi m2, thời hạn đến năm 2058), đồng nghĩa đã 20 ha được cho thuê mới trong nửa đầu năm 2019 VDSC cho rằng diện tích cho thuê ghi nhận trong thời gian tới tại KCN này sẽ diễn biến tích cực nhờ nhu cầu tăng cao.
Nhóm cảng biển
Đối với nhóm cảng biển và hậu cần, VDSC muốn thảo luận về ngành vận tải biển trong tháng này. Bức tranh ngành vận tải biển không mấy sáng sủa kể từ suy thoái kinh tế năm 2008. Giá dầu nhiên liệu biến động. Trong khi đó, về phía cung, nhiều tàu được đóng mới và mua lại trong giai đoạn trước năm 2008, khiến khả năng xử lý vượt quá nhu cầu. Điều này dẫn đến việc tăng cạnh tranh giá.
Hơn nữa, hầu hết các tàu này được đóng mới và mua lại trong giai đoạn vàng của ngành vận tải, chi phí rất tốn kém. Nhiều hãng tàu đã phải vay ngân hàng để mở rộng thị phần. Khi cước giá giảm trong khi giá nguyên liệu và lãi suất tăng, nhiều công ty khai thác vận tải đã chịu lỗ. Theo đó, tổng quy mô đội tàu cũng giảm mạnh khi nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu, thanh lý tàu để trả nợ. Ngoài ra, đội tàu Việt Nam không có khả năng cạnh tranh với các hãng tàu quốc tế trong thị phần hàng hóa xuất-nhập khẩu. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong vận tải xuất-nhập khẩu biển, đội tàu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% thị trường, phần còn lại bởi các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Để hỗ trợ sự phát triển ngành vận tải biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất thành lập các nhóm giải pháp cũng như thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp trong ngành. Trong số các giải pháp, VDSC tin rằng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đến 10% trong 15 năm sẽ tác động sớm và trực tiếp đến các hãng tàu về mặt lợi nhuận.
Nhờ đó, các doanh nghiệp trong ngành có thể gia tăng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, hiện đại hóa đội tàu của họ và cải thiện cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài. Ngược lại, một số hãng tàu vẫn còn nợ lũy kế cao sẽ không được hưởng lợi ngay từ việc giảm thuế TNDN. Tuy nhiên, các giải pháp còn lại cũng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi dài hạn hơn cho các doanh nghiệp vận tải biển này.
Theo Báo Nhịp Cầu Đầu Tư