Chuyên gia bất động sản: "Việt Nam chưa phù hợp để phát triển condotel"

Written by  - Monday, 08 April 2019

Một số chuyên gia bất động sản khẳng định, việc phát triển condotel phải có luật định rõ ràng. Và mô hình condotel chỉ thực sự hoạt động hiệu quả khi đó là điểm du lịch hấp dẫn, khiến khách du lịch liên tục quay lại nhiều lần, trong nhiều năm liền.

11

Chuyên gia cho rằng: "Việt Nam chưa thực sự phù hợp với condotel".

Tại Diễn đàn với chủ đề "Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực" vừa diễn ra cuối tuần trước, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) cho rằng, sở dĩ condotel “nóng” là bởi nhiều người còn chưa thực sự hiểu rõ về loại hình này.

Theo vị chuyên gia, về cơ bản, condotel là một mô hình bất động sản tạo dòng tiền tốt, nhưng lợi nhuận 10 - 15%/năm "chỉ là con số mang tính quảng bá, và chưa thực sự khả thi".

Ông cho rằng, đúc rút kinh nghiệm từ các thị trường trong khu vực, việc phát triển condotel phải có luật định rõ ràng. Và mô hình condotel chỉ thực sự hoạt động hiệu quả khi đó là điểm du lịch hấp dẫn, khiến khách du lịch liên tục quay lại nhiều lần, trong nhiều năm liền.

“Mô hình condotel ở California mất hàng thế kỉ mới được khẳng định. Tại Thái Lan, người ta mất trên 20 năm. Trong khi ở Việt Nam, tôi chưa thấy khách du lịch nào quay lại đây 20 năm liên tiếp. Do đó, quan điểm của tôi là Việt Nam chưa thực sự phù hợp với condotel”, ông Kai Marcus Schroter nhận định.

Chia sẻ về condotel, ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao của JLL cho biết, condotel ở nước ngoài không còn tồn tại nhiều lắm trong khi đó tại Việt Nam, condotel cũng gặp vấn đề với yếu tố pháp lý.

"Tôi sẽ đưa 1 ví dụ một dự án nổi tiếng tại Đà Nẵng, khi dự án này bán condotel họ rất thành công khi bán được sản phẩm mà không cần cam kết lợi nhuận. Thay vì cam kết lợi nhuận, chủ đầu tư cung cấp cho những người mua condotel một kế hoạch kinh doanh khả thi. Cũng nhờ vậy, chủ dự án không gặp gánh nặng nợ nần, áp lực lợi nhuận. Nó cho thấy, không phải toàn bộ thị trường condotel đình trệ lại mà nó phụ thuộc vào từng dự án", ông nói.

Ở mặt ngược lại, theo Adam Bury, nếu nhà đầu tư vay vốn để phát triển condotel có thể rơi vào rủi ro không đủ tài chính để hoàn thành. Giả sử có dự án condotel có 100 nghìn căn hộ mà chỉ bán được 25 nghìn căn, họ sẽ không thể có đủ tiền để triển khai tiếp.

"Mô hình condotel rất khó thành công với nhà đầu tư tiềm lực tài chính kém. Họ phải vật lộn tài chính và chậm tiến độ. Tại Thái lan và Bali, các quốc gia này đã từng trải qua nỗi đau Condotel trên bờ biển của mình, Việt Nam cũng vậy", Adam Bury nhấn mạnh.

Còn theo ông Luis Mesquita de Melo - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Pháp chế - Asian Coast Development Ltd: "Tôi biết có dự án condotel rất được nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc ưa chuộng vì nó là 1 khu nghỉ dưỡng thích hợp, qua đó nhận được giá trị cộng thêm từ sân golf,… quanh khu vực đấy".

"Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi chúng ta không thể có khái niệm về khu nghỉ dưỡng thích hợp nếu chúng ta không có hệ thống pháp lý, khung pháp lý rõ ràng", ông này nói.

Theo vị chuyên gia, nguyên tắc chúng ta không cần sáng tạo ra bánh xe nữa, Việt Nam chỉ cần xem xét các thị trường khác đã từng trải qua điều này để học hỏi ứng dụng.

"Condotel cũng chỉ là 1 trong rất nhiều mô hình thôi, tương tự như time sharing, muốn thành công, chúng ta phải có khung pháp lý hoàn chỉnh để vận hành", ông nói thêm.

Phương Dung

전략적 파트너십