Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tại khu vực Hòa Bình, giá đất ở đây liên tục biến động. Các khu vực quanh trung tâm Hòa Bình, Chợ Đà Lạt được đẩy lên cao "kỷ lục". Cách đây một năm, khu vực này cũng nơi cao nhất cũng chỉ mới rao bán khoảng 150 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên tới hơn 200 triệu đồng/m2.
Khảo sát tại khu vực trung tâm Đà Lạt (khu Hòa Bình), đường Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, Lê Thị Hồng Gấm các chủ đất đều cho biết giá đất sẽ còn tăng cao. Một số chủ đất còn dự đoán chỉ vài tháng nữa đất ở đây sẽ tăng lên 300 triệu đồng/m2.
"Giá giờ là giá chung rồi em ạ, ở đây bây giờ giá cũng phải trên 200 triệu đồng/m2 em ạ, không rẻ hơn được đâu. Em cứ đi hỏi xung quanh đây thì sẽ rõ chứ tụi anh đẩy giá lên cao làm gì. Sắp tới, Đà Lạt trở thành TP trực thuộc Trung ương giá còn cao gấp nhiều lần. Em đầu tư khách sạn thì vị trí này quá đẹp, vừa gần chợ, vừa gần Hồ Xuân Hương, em không đầu tư nhanh là có người đầu tư ngay", chủ khu đất trên đường Bùi Thị Xuân chia sẻ.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, giá đất tại Đà Lạt tăng mạnh từ khoảng một năm trở lại đây. Tùy vào vị trí, đường lớn hay nhỏ mà giá tăng từ 10 - 100 triệu đồng/m2. Giới đầu tư ở đây chủ yếu để xây dựng nhà hàng, khách sạn. Thậm chí, có những con hẻm nhỏ trước đây giá chỉ khoảng 20 triệu/m2 nhưng nay cũng được đẩy lên 70, 80 triệu đồng/m2.
"Diện tích đất ở đây là 86m2, giá bán là 17 tỉ, em có thể thương lượng một chút. Đường này ô tô vào thoải mái, giao thông lại thuận tiện, nhiều người trả 16,5 tỉ mà anh không bán. Nếu em có thiện chí mua thì đặt cọc trước 7 tỉ anh làm hồ sơ luôn. Đất này giờ nhiều người hỏi lắm, em không mua là mai có người đến mua liền", ông Thiên - chủ khu đất trên đường Lê Đại Hành giới thiệu.
Trên các trang web mua bán nhà đất, nhiều khu vực trung tâm còn được rao bán từ 300 - 400 triệu đồng/m2. Chưa dừng lại ở đó, nhiều khu vực cách TP hơn 40km cũng được rao bán hơn 20 - 30 triệu đồng/m2 dù chỉ là đất nông nghiệp, bán giấy tay.
"Thấy đất ở trung tâm giá cao quá tôi đi ra khu vực ngoài rìa cách TP tầm 40 km để mua thì thấy giá cũng cao ngất ngưởng. Khu Tà Nung, Xuân Thọ tôi hỏi họ cũng đều báo giá gần 30 triệu đồng/m2 dù là đất nông nghiệp và chưa có sổ. Mua bán cũng bằng giấy viết tay hết. Tôi tính mua đất để mở quán cà phê và xây homestay nhưng thấy giá cao và pháp lý bất ổn quá nên thôi", chị Thiên Ý chia sẻ.
Do giá đất tăng cao, nhiều người dân ở Đà Lạt cũng bỏ việc đi làm "cò" đất để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người chỉ vài tháng đã kiếm được hàng tỉ đồng. Người có vốn thì vừa làm cò vừa mua đi bán lại để kiếm lời nhanh.
"Cứ bán được nhà hay đất thì chủ nhà sẽ chia từ 1 - 2% trên tổng giá trị tài sản. Mình khéo léo thì mình đẩy giá lên để ăn chênh lệch. Lúc trước, tôi làm bên kinh doanh hải sản nhưng từ lúc giá đất đẩy lên cao tôi chuyển qua bên môi giới bất động sản luôn. Giờ hàng trăm người đi làm môi giới nên cũng cạnh tranh lắm nhưng vẫn kiếm ăn được", anh Hòa (ngụ Đà Lạt) chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Như Bình - Chuyên gia môi giới bất động sản, giá đất tại Đà Lạt cao chỉ là giá "ảo" và cơ quan chức năng cần sớm ngăn chặn tình trạng trên.
"Thực tế giá trị đất ở khu vực trung tâm và các khu vực vùng ven Đà Lạt cũng chỉ bằng 1/2 so với giá rao bán. Tuy vậy, nhiều chủ đất thổi giá lên để kiếm lời. Một người thổi giá rồi cả trăm người thổi giá nên mới có giá cao như bây giờ. Người dân không nên mua đất thời điểm này để tránh bị mua giá "cắt cổ". Các khu vực vùng ven nhiều người bán giấy tay cũng rất nguy hiểm nếu sau này xảy ra tranh chấp".
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tìm hiểu vấn đề trên và sớm có thông tin về sự việc cho người dân.
Vừa qua, UBND TP Đà Lạt vừa công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt”. Khu vực quy hoạch này có diện tích 30ha (thuộc phường 1, TP Đà Lạt), phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước gần cầu Ông Đạo (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản).
Xuân Hinh