Nhân lực CNTT trong phát triển, sản xuất sản phẩm CNTT thương hiệu Việt

Viết bởi  - Thứ năm, 14 Tháng 12 2017

Với trọng tâm là cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được xem là cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Đây là cơ hội giúp các nước đang phát triển nâng cao vị thế khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cuộc đua Cách mạng công nghệ lần thứ 4, một trong những lợi thế quan trọng của mỗi quốc gia là nguồn nhân lực với năng lực sáng tạo và trí tuệ cao. Tại nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam, để thúc đẩy phát triển, sản xuất và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ngoài các nhân tố như đầu tư, công nghệ, thị trường thì yếu tố gốc rễ là nhân lực CNTT. Phát triển nhân lực CNTT với các kiến thức, kỹ năng hướng chuẩn quốc tế đóng vai trò quyết định trong việc nghiên cứu - sản xuất và phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT mang thương hiệu quốc gia và có tính cạnh tranh cao.

Trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tăng đáng kể. Theo Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT (bao gồm ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ CNTT) năm 2016 tăng 11.3% so với năm 2015. Ước tính trong năm 2016, tổng số lao động của ngành công nghiệp CNTT khoảng 780.926 người (tăng 10.8% so với năm 2015). Việt Nam đã và đang là điểm đến của các công ty đa quốc gia lớn như Samsung, LG, Intel... đây là yếu tố đẩy ngành Công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển, tăng nhu cầu về nhân lực. Bên cạnh đó, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như giao thông thông minh, thành phố thông minh, an toàn an ninh mạng ... nên nhu cầu nhân lực hoạt động trong ngành này sẽ tiếp tục tăng.

Trước nhu cầu nhân lực cao trong ngành CNTT nói chung và trong việc phát triển, sản xuất sản phẩm CNTT thương hiệu Việt nói riêng, thực trạng nguồn nhân lực CNTT luôn là chủ đề nóng, được đưa ra tại nhiều diễn đàn, hội thảo, báo cáo chuyên đề. Trước hết, số lượng lao động CNTT được đánh giá là vừa thừa lại vừa thiếu. Hiện nay số lượng các cơ sở đào tạo chính quy dài hạn về CNTT tương đối lớn. Trong hơn 600 trường đại học và cao đẳng trên cả nước, hiện nay có 250 trường có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT-TT. Theo khảo sát của Bộ TTTT, năm 2016, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành CNTT, điện tử, viễn thông và an toàn thông tin là 68.883 sinh viên chiếm 9,84% tổng chỉ tiêu tuyển sinh tất cả các ngành. Tỷ lệ sinh viên ngành CNTT-TT thực tuyển chiếm 77,12% và tỷ lệ tốt nghiệp ra trường là 93,88% (năm 2016 có gần 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT-TT). Đến nay số lượng lao động trong ngành CNTT đã là 780.926 người, với số lượng hơn 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT-TT hàng năm (Báo cáo Sách trắng năm 2017) thì đến 2020 là Việt Nam sẽ có 1 triệu lao động. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% nhân lực ngành CNTT đã qua đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp còn lại phải đào tạo bổ sung.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp thì nhiều nhưng nhân lực CNTT vẫn thiếu là vấn đề về chất lượng. Mặc dù nhân lực CNTT Việt Nam được đánh giá cao và tiềm năng (lập trình viên Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới - theo HackerRank, năm 2017, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC), chất lượng nhân lực CNTT được đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Ngoài ra, chất lượng đào tạo giữa các trường Đại học có chuyên ngành CNTT hiện nay không đồng đều, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, sinh viên giỏi chủ yếu đến từ các trường Đại học lớn. Thực trạng hiện nay cho thấy số lượng sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp nhiều nhưng chất lượng đào tạo không phù hợp khiến 70% sinh viên mới tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, việc những tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam, một mặt sẽ giúp nguồn nhân lực CNTT sẽ tiếp cận được những kỹ năng công nghệ hiện đại, nhưng mặt khác điều này cũng tạo áp lực cho các doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại về nguồn nhân lực ở cả hai đối tượng công nhân và nhân lực chất lượng cao. Tình trạng chảy máu chất xám là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế lớn trong cạnh tranh toàn cầu. Các nước đang phát triển như Việt Nam không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Để góp phần đưa Việt Nam hội nhập với quá trình chuyển dịch số đang diễn ra trên thế giới, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ CNTT mang thương hiệu quốc gia, Việt Nam cần phát huy tối đa lợi thế sẵn có trong thời đại số, xây dựng nhân lực CNTT đáp ứng các chuẩn quốc tế, xây dựng công dân điện tử và xã hội số ở nước ta.

Theo ICTNews

Đối tác chiến lược