Doanh nghiệp Việt chọn thay đổi hay tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Viết bởi  - Thứ năm, 14 Tháng 12 2017

Cách mạng công nghiệp 4.0 là khái niệm được nhắc đến nhiều ở Việt Nam thời gian qua. Cuộc cách mạng này đặt ra thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt là nhanh chóng thay đổi để bắt kịp chuyển động của thế giới hay lỡ nhịp và bị bỏ lại phía sau.

Xu hướng không tiền mặt trên thế giới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và có tác động đến nhiều lĩnh vực. Một trong những tác động rõ nét của cuộc cách mạng này chính là thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt. Theo khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển.

Khoảng 34% người được hỏi tại châu Âu và 38% tại Mỹ cho biết sẵn sàng không dùng tiền mặt (theo hãng nghiên cứu thị trường Ipsos). Bên cạnh đó, 21% người tham gia tại châu Âu và 34% tại Mỹ cho biết hiếm khi dùng tiền mặt. Xu hướng này càng gia tăng ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, các hệ thống thanh toán bằng thẻ hay ví di động cũng đã trở nên ngày càng phổ biến.

Ở khu vực châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã tiến hành phương thức thanh toán này từ những năm 2003-2004. Các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore cũng là những quốc gia đầu tiên bắt kịp xu hướng thanh toán hiện đại này. Hình thức thanh toán bằng thẻ ban đầu chỉ đơn giản là quẹt thẻ thanh toán, sau đó là các hình thức thanh toán online, trong đó đặc biệt phải kể đến cổng thanh toán và ví điện tử. Người dùng có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại này để thực hiện các giao dịch trực tuyến, cũng như tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng…

Dấu hiệu đáng mừng ở Việt Nam

Tại Việt Nam, cuối năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thử nghiệm dịch vụ Ví điện tử, giúp khơi thông “dòng chảy” thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, bên cạnh việc thanh toán qua thẻ. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực Công nghệ Tài chính (Fintech), nhằm hỗ trợ và tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Điều hành MoMo, doanh nghiệp tiên phong trong thanh toán di động tại Việt Nam nhận định: “Đó là những đột phá về tư duy ở phía Chính phủ mà không phải nước nào cũng có được”.

Về phía người dùng, chia sẻ tại Hội thảo “Cuộc sống thông minh trong kỷ nguyên 4.0” trong khuôn khổ sự kiện ký kết hợp tác chiến lược Uber và MoMo ngày 29/11/2017 vừa qua, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng đại đa số người dân thành thị ở Việt Nam đã có thể tiếp cận với thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên, tỉ lệ được tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và thanh toán không tiền mặt của hơn 60% dân số ở các vùng nông thôn còn rất thấp.

“Xu thế thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển rất nhanh. Như Thụy Điển thực sự đã tiến đến xã hội không tiền mặt. Xuất phát điểm giống Việt Nam những năm 1960 nhưng người Hàn Quốc giờ đã có thể chi tiêu mọi thứ mà không cần dùng đến tiền mặt. Thanh toán di động, không tiền mặt là xu hướng tất yếu, vấn đề là chúng ta cần có chương trình hành động từng bước: “phủ” công nghệ, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng”, TS. Doanh bổ sung.

Hội thảo Cuộc sống thông minh trong kỷ nguyên 4.0.
 

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: “Tại Việt Nam, gần 90% người dân vẫn sử dụng tiền mặt. Giá trị thật sự của việc không dùng tiền mặt đối với xã hội như sử dụng ví điện tử giúp không có dòng tiền chết chờ ở các ngân hàng, dòng tiền được di chuyển liên tục, giúp nhà sản xuất, doanh nghiệp vận hành tốt hơn. Hi vọng thời gian tới thanh toán không dùng tiền mặt trở thành hoạt động bình thường của nhiều người dân.”

Hiện nay, các loại hình dịch vụ và phương thức thanh toán phát triển khá đa dạng ở nước ta. Nhiều phương thức mới, hiện đại và tiện dụng hơn dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin đã xuất hiện và dẫn trở thành thói quen không thể thiếu của nhiều người trong đời sống hằng ngày.

Những doanh nghiệp tiên phong dẫn đầu xu hướng

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, điều quan trọng nhất để tiến tới Cách mạng 4.0 chính là sự kết nối. Sử dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa cá nhân, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng với nhau, hình thành chuỗi giá trị.

Đồng quan điểm với ông Kiên, ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương nhận định sự ký kết hợp tác giữa Uber và MoMo nhằm mang tới trải nghiệm từ đặt chuyến xe, thanh toán hoàn toàn tự động trên điện thoại là một minh chứng cho sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong thời đại số, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Cách mạng 4.0 ở Việt Nam.

Theo đó, tại sự kiện Ký kết hợp tác Chiến lược giữa MoMo và Uber, MoMo chính thức trở thành một trong ba phương pháp thanh toán chính của dịch vụ chia sẻ xe Uber tại Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á và thứ 2 trên thế giới Uber triển khai hình thức thanh toán qua Ví điện tử.

Uber và MoMo được xem là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, tăng thêm những tiện ích cho người dùng.

 
Chứng kiến lễ ký kết có Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - ông Nguyễn Đức Kiên và nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương - tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
 

Theo sau hợp tác này người dùng MoMo có thể đặt xe Uber trực tiếp ngay trên ứng dụng của hãng và hàng triệu hành khách đang sử dụng dịch vụ Uber cũng có thêm hình thức thanh toán mới thông qua ví MoMo được tích hợp sẵn trên ứng dụng Uber.

Ông Brooks Entwistle – Tổng Giám đốc Uber Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi rất tin tưởng vào cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt tại Việt Nam. Uber đề cao sự tiện dụng và an toàn cho người dùng. Chúng tôi mong muốn chỉ với một nút bấm người đi xe đã có thể có thể có một chuyến đi trọn vẹn từ đặt xe, thanh toán và trở về nhà an toàn. Chúng tôi hướng đến sự sáng tạo, đổi mới, tối ưu để phục vụ cho người dùng Việt Nam”.

Về phía MoMo, ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Điều hành MoMo cho biết: “MoMo khởi đầu bởi giấc mơ và nuôi dưỡng bởi giấc mơ. Cách đây 10 năm, nhà sáng lập MoMo đã thấy tiểu thương ở Bangladesh sử dụng điện thoại để thanh toán. Tôi cũng thấy người nước ngoài không cần nhiều tiền mặt khi ra đường. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi nuôi và hiện thực hoá ước mơ ví điện tử tại Việt Nam. Ví MoMo còn dấn thân làm đơn vị tiên phong tạo nên hệ sinh thái không dùng tiền mặt. Tôi tin rằng trong 2-3 năm tới, điều đó sẽ thành hiện thực, người Việt sẽ được hưởng văn minh giống những người phương Tây. Ngay cả người dân ở nông thôn cũng sẽ được tiếp cận với các nguồn tài chính, thanh thoán thuận lợi.”

Ngoài ra, ông Tường cũng nhấn mạnh mong muốn đem đến một cuộc sống thông minh cho người dùng Việt, thông qua việc mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tiện ích thanh toán không tiền mặt đến mọi hoạt động trong ngày của đông đảo người dân, kể cả những người dùng chưa sở hữu thẻ Visa.

Hi vọng sự hợp tác giữa Uber và MoMo, giúp người dùng có thể trải nghiệm những ứng dụng thuận tiện và tối ưu hơn. Đồng thời đây cũng là một trong những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam để theo kịp thế giới trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

 Theo Trí Thức Trẻ

Đối tác chiến lược