CPI quý I/2020 tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020

Viết bởi  - Thứ bảy, 28 Tháng 3 2020
Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1/2020 là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao trong quý I/2020.    

Theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng của dịch Covid-19, "cuộc chiến" giá dầu để giành thị phần giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga khiến giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào.

ảnh 1

Đây là các nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, tăng 0,34% so với tháng 12 năm 2019, tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2020, CPI tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân quý I cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm gồm: giao thông; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; may mặc, mũ nón và giầy dép; đồ uống và thuốc lá; bưu chính viễn thông. Có 4 nhóm tăng là hàng hóa và dịch vụ khác; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục.

Về biến động của CPI trong quý I/2020, do tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao; giá các mặt hàng lương thực tăng 1,51% so với cùng kỳ năm 2019, góp phần khiến CPI tăng 0,07%. Giá các mặt hàng thực phẩm quý I tăng 13,21% so với cùng kỳ năm 2019 cũng góp phần khiến CPI tăng 2,99%. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán; trong đó, riêng giá thịt lợn tăng 58,81% so với cùng kỳ năm 2019 khiến cho CPI chung tăng 2,47%.

Bên cạnh đó, do mưa lớn, mưa đá vào dịp Tết Canh Tý tại các địa phương phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và xâm lấn sâu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng cây trồng làm cho nguồn cung rau xanh giảm. Cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, rau, quả Trung Quốc không xuất được sang Việt Nam nên giá rau quý I/2020 tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2019.

Dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1/2020 nên nhu cầu về một số mặt hàng thuốc y tế, điện và nước sinh hoạt tăng cao làm cho giá các mặt hàng này trong quý I/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết do nhu cầu mua sắm tăng cao.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI quý I/2020. Cụ thể, giá dầu thế giới giảm giúp giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 5 đợt với tổng cộng giá xăng A95 giảm 4.180 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 3.830 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 3.560 đồng/lít. Bình quân quý I/2020, giá xăng dầu giảm 5,75% so với tháng 12 năm 2019.

Nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, bổ sung nguồn cung nhằm ổn định giá cả là giải pháp đang được các Bộ thực hiện. Ngoài nguồn cung trong nước, có 15 công ty của Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua thịt lợn từ Tập đoàn Miratorg của Nga. Đây cũng là tập đoàn có sức sản xuất thịt lợn "top" đầu ở Nga với sản lượng đạt khoảng 500.000 tấn thịt lợn mỗi năm.

Hiện, Tập đoàn Miratorg đã chuyển số lượng gần 3.500 tấn thịt lợn xuống tàu để xuất sang Việt Nam theo hợp đồng ký kết trước đó. Đến nay, có gần 1.500 tấn đã cập cảng Cát Lái, cảng Hải Phòng và cảng Phước Long; khoảng gần 2.000 tấn thịt lợn cũng đang trên đường về Việt Nam. Trước đó, số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.\

Theo Công Thương

Đối tác chiến lược