Đáp ứng được nhu cầu của cả người đi thuê nhà và khách đầu tư, những căn hộ có diện tích vừa và nhỏ từ 70m2 trở xuống đang thu hút sự quan tâm của thị trường.
Thị trường căn hộ có xu hướng dịch chuyển
Hai năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện hàng loạt dự án căn hộ với đa số diện tích vừa và nhỏ song được đầu tư kỹ lưỡng về nội thất, hạ tầng, tiện ích dự án và được bán với mức giá tầm 2-3 tỷ đồng. Các sản phẩm này đều ghi nhận thanh khoản cao trên thị trường do phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, từ nhu cầu mua để ở cũng như đầu tư cho thuê.
Theo JLL Việt Nam, năm 2019 thị trường sẽ có sự gia tăng của các căn hộ nhỏ và siêu nhỏ. Nhu cầu về kích thước căn hộ của bên mua, bên thuê đã thay đổi, và bên chủ đầu tư cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng của thị trường.
Thực tế cho thấy, hiện nay các dự án không còn những loại căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích trên 100 m2 như trước kia, mà thông thường chỉ khoảng 70-80m2 trở xuống. Thậm chí, nhiều căn hộ có diện tích 40-50m2 vẫn đang được thị trường đón nhận rất tích cực. Đặc biệt, những dự án ở vị trí trung tâm thành phố, gần các tiện ích công cộng đang ngày càng “có giá” hơn.
Xét về mặt cho thuê, những căn hộ loại này phù hợp với nhiều đối tượng thuê nhà từ người độc thân, chuyên gia nước ngoài, cho đến gia đình trẻ… bởi giá thuê không quá cao mà vẫn được tích hợp đầy đủ các tiện ích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cư dân.
Xét về mặt đầu tư, sản phẩm này sẽ có nhiều ưu điểm như chi phí vốn ban đầu hợp lý, dễ cho thuê, tạo ra thu nhập đều đặn hàng tháng, đồng thời dễ dàng hơn trong giao dịch bán lại khi có nhu cầu.
FLC Green Apartment - căn hộ dưới 70m2 hút người mua
Sở hữu 348 căn hộ diện tích từ 45-70m2, FLC Green Apartment được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm bởi dự án sở hữu nhiều ưu điểm phù hợp với không chỉ với đối tượng khách hàng an cư mà còn thích hợp với nhu cầu thuê căn hộ.
FLC Green Apartment sở hữu nhiều ưu điểm để hút khách thuê căn hộ.
Tọa lạc tại 18A Phạm Hùng, trung tâm Mỹ Đình và cửa ngõ phía Tây thủ đô, FLC Green Apartment nằm trong khu vực phát triển sôi động bậc nhất Hà Nội, nơi tập trung đông dân cư, gần các trường đại học, cộng đồng Nhật – Hàn và các khu văn phòng lớn có đông người nước ngoài làm việc như The Manor, Keangnam…
Đây còn là vị trí lý tưởng để di chuyển tới các địa điểm văn hóa-giải trí-giáo dục và các tiện ích khác của thành phố như Sân vận động Mỹ Đình, Công viên Cầu Giấy, Bệnh viện 19-8, Trung tâm thương mại Indochina Plaza, The Garden…
Với sự thuận lợi về giao thông và vị trí như vậy, dự án hứa hẹn tiềm năng cho thuê sinh lời cao và ổn định.
Các căn hộ tại FLC Green Apartment có diện tích từ 45-70m2, với thiết kế thông minh và hiện đại.
Các căn hộ tại FLC Green Apartment đều hưởng trọn ánh sáng tự nhiên, cùng với không gian sinh hoạt chung rộng, thoáng nhờ lối thiết kế phòng khách nối liền bếp ăn và đảm bảo không gian riêng tư với 2-3 phòng ngủ.
Tại đây, cư dân sẽ được tận hưởng nhiều tiện ích nội khu hiện đại như bể bơi 4 mùa, phòng tập gym, spa, dịch vụ chăm sóc nhà cửa, camera 24/7, an ninh bảo vệ tối đa..., đặc biệt là hệ thống cây xanh hiện diện ở mọi nơi, từ cổng vào cho đến 5 tầng đỗ xe trên cao, cho đến mặt tường bê tông nối liền một số tầng căn hộ.
Dự kiến những căn hộ đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 4/2019 và được quản lý bởi CBRE để đảm bảo môi trường sống, chất lượng dịch vụ quản lý và vận hàng chuyên nghiệp cho cư dân và những người thuê căn hộ.
Đặc biệt với mức giá hợp lý chỉ từ 1,1 tỷ đồng và được ưu đãi trong tháng 02/2019 lên đến 11% giá trị căn hộ, nhà đầu tư đã có thể sở hữu ngay căn hộ cho thuê tại khu vực trung tâm Mỹ Đình trong bối cảnh nhu cầu thuê đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, khách hàng còn được tặng ngay 1 cây vàng SJC trị giá 36.000.000 đồng, cùng chuyến du lịch Hàn Quốc trị giá 20.000.000 đồng và gói thiết kế căn hộ (bao gồm bản vẽ 3D, bản vẽ chi tiết).
Theo Nhịp sống kinh tế
Tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam chiếm đến 20,9%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore...
Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong chỉ số LPI năm 2018.
Sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu giao nhận hàng hóa không chỉ gia tăng về số lượng mà còn cả về chất lượng. Tuy nhiên, dịch vụ logistics trong nước hiện nay vẫn đang tụt hậu, chưa bắt kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, ngành logistics Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng 16%/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong chỉ số LPI (Logistics Performance Index – chỉ số đánh giá kết quả hoạt động logistics) trong năm vừa qua.
Nếu như năm 2016, Việt Nam có chỉ số LPI là 2,98, xếp hạng 64/160 quốc gia được đánh giá và xếp thứ 5 trong khối ASEAN, thì năm 2018 chỉ số này tăng 25 bậc. Theo đó, Việt Nam vượt lên ở vị trí 39 với điểm số LPI được cải thiện đáng kể là 3,27, cao nhất trong 6 lần xếp hạng, xếp thứ 3 trong khối ASEAN, sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), quy mô thị trường logistics Việt Nam cũng không ngừng tăng cùng với tăng trưởng nhanh của kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua, đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Trong đó, thương mại điện tử đang và sẽ là nhân tố dẫn dắt chính sự phát triển của logistics.
Thống kê của Công ty Armstrong & Associates (Hoa Kỳ) cho thấy, dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 7,2 - 7,5% tổng doanh thu logistics thế giới.
Thương mại điện tử lên ngôi
Với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh, mức độ phủ sóng ngày càng rộng của mạng Internet cùng các mạng không dây 3G và 4G, doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng. Nếu như giá trị thương mại điện tử trong năm 2012 mới chỉ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, đến năm 2017 đã tăng lên gấp 5 lần và đạt mức 25,7 nghìn tỷ đồng (số liệu của Euromonitor).
Với tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 33%/năm, dự kiến, giá trị thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mốc 106 nghìn tỉ đồng trong năm 2022, tương ứng với khoảng 4,6 tỷ USD.
Nhờ bàn đạp là sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thương mại điện tử ở Việt Nam đang ở thời kì "bình minh rực rỡ", là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới với sự xuất hiện của nhiều công ty thương mại điện tử, tiêu biểu như: Sendo, Adayroi!, Tiki, Lazada, Shopee... Kèm theo đó, áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho.
Ông Nguyễn Trần Thi, CEO Công ty cổ phần dịch vụ Giao Hàng Nhanh đánh giá: "Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử mỗi năm tăng trưởng lên đến 100% nhờ đại đa số giới trẻ đều dùng Internet và xu hướng mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến".
Trong khi thương mại truyền thống chỉ tập trung phát triển ở một số thành phố lớn, thương mại điện tử lại được phủ sóng khắp mọi tỉnh thành trong toàn quốc. Tuy nhiên, thương mại điện tử không thay thế kênh mua sắm thông thường, mà đang chuyển đổi thành kênh mua sắm chính thức, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của mình.
"Miếng bánh thương mại điện tử trong thị trường thương mại chung sẽ ngày càng lớn hơn. Đây là cơ hội cực kỳ lớn cho những doanh nghiệp kinh doanh trong thị trường này", ông Thi bày tỏ.
Trong xu thế chung của phát triển công nghệ, thương mại điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt do mang lại ngày càng nhiều ích lợi cho người tiêu dùng.
Ông Hồ Châu Tài, Giám đốc Kế hoạch kinh doanh và hoạt động tại Tập đoàn Tiki phân tích "thương mại điện tử đem lại tính tiện lợi, giá rẻ, cạnh tranh so với các cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải đệ đơn xin phá sản vì sức ép của thương mại điện tử".
Theo thời gian, những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng bị loại bỏ. Từ đó, thị trường sẽ đón nhận những doanh nghiệp có thực lực với mong muốn phục vụ cho lợi ích của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tăng niềm tin đối với thương mại điện tử.
Tất nhiên, "quả bóng tuyết càng lăn sẽ càng to, người tiêu dùng ngày càng có nhiều niềm tin hơn vào thị trường thương mại điện tử, sẽ giúp các công ty thương mại điện tử phát triển, cung cấp nhiều tiện ích hơn cho người dùng", anh Tài ví von.
Tuy nhiên, dù có những bước tiến nhảy vọt trong chỉ số LPI, logistics tại Việt Nam vẫn còn nhiều "nút thắt cổ chai", cản bước thương mại điện tử phát triển.
Nhiều điểm nghẽn cản bước "bệ phóng"
Để chiếc "tên lửa" thương mại điện tử có thể phóng được với tốc độ chóng mặt, không thể thiếu được "bệ phóng", đó chính là sự quản lí chuỗi cung ứng và logistics trong thương mại điện tử.
Tuy nhiên, TS. Phạm Nguyên Minh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương đánh giá "doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước còn khá non trẻ, chỉ chiếm thị phần nhỏ. Năng lực của các doanh nghiệp không đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng tăng thuê ngoài dịch vụ logistics".
Ngoài ra, điểm yếu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.
"Nguyên nhân chính là do hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động quốc tế", ông Minh phân tích.
Cũng theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA, tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam chiếm đến 20,9%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore. Đó là con số phản ánh mức chi phí logistics ở Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Về chi phí vận tải, hiện nay, trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, chiếm 59%. Chi phí này đang chiếm 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặc dù giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, tuy nhiên đến 90% đơn hàng hẹn thanh toán sau khi nhận hàng, hay tỷ lệ giao hàng không thành công khá cao, khoảng 8 – 10%. Điều này không chỉ tăng chi phí cho người bán hàng, mà khiến những doanh nghiệp logistics nảy sinh nhiều chi phí, từ chi phí lưu trữ hàng hóa, chi phí con người đến nhiều quy trình xử lý phức tạp phía sau để hoàn đơn.
Công nghệ là nhân tố bứt phá
Cạnh tranh giao nhận hàng hóa nhanh hay chậm trên thị trường ngày càng trở nên khắc nghiệt, khi "ông lớn" DHL cam kết giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hỏa tốc, Tiki với "tuyên ngôn" giao hàng trong vòng 2 giờ.
Đánh giá Giao Hàng Nhanh là đối tác tin cậy và lớn, có dịch vụ với chất lượng ổn định, dẫn đầu trên thị trường về tốc độ giao hàng và thời gian, Tiki đã chọn Giao Hàng Nhanh là một trong những đơn vị vận chuyển cho mình. Tiki cũng phải thừa nhận, chính công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp này.
Ông Tài lý giải, đầu tư vào công nghệ là đầu tư cho tương lai. Thứ nhất, Tiki chi tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ hơn. Thứ hai, đầu tư công nghệ để thay đổi thói quen, "educate" người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. "Đầu tư về công nghệ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử", ông Tài cho hay.
Theo VnEconomy
Với mức lãi suất 0,17%, dịch vụ cầm cố tiền số đang nở rộ trong giới giao dịch đầu tư. Dịch vụ này trao đổi trực tiếp hai loại tiền với nhau nên chưa có quy định pháp luật cụ thể.
Từ cuối năm 2018, dịch vụ cầm cố tiền điện tử ra đời mục đích "cấp vốn" cho những người đầu tư tiền kỹ thuật số. Dịch vụ này có trang web được đầu tư khá bài bản với các điều khoản chi tiết.
Để kiếm được người vay, dịch vụ này thường xuyên quảng cáo trong những nhóm Facebook của giới đầu tư tiền điện tử.
"Cầm coin (tiền số - PV) bạn đang trữ ra USDT, VNĐ, ETH, BTC. Lãi suất thấp. Cầm từ vài triệu đến vài tỷ trong một nốt nhạc. Bán hộ khi bạn cần hoặc theo giá bạn đặt sẵn", tài khoản Facebook Cuong... đăng một mẫu quảng cáo trong hội nhóm chuyên giao dịch tiền ảo.
Dịch vụ cầm cố tiền điện tử nở rộ trên Facebook dịp Tết đến
Nhấn vào liên kết "camtienso.xxxx" trong bài quảng cáo, người dùng sẽ được dẫn đến một trang web với giao diện đơn giản. Người vay được yêu cầu điền đầy đủ các thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại.
Ngoài ra, người vay cần cung cấp loại, địa chỉ ví và số lượng tiền số muốn nhận về và thế chấp.
Trong phần "điều khoản hợp đồng", trang này quy định một số điều khoản như người vay phải có trách nhiệm điền đầy đủ thông tin trong bản mẫu, được dừng khoản vay bất cứ lúc nào và chỉ chuyển tiền khi nhận được cuộc gọi xác nhận từ phía dịch vụ.
Loại tiền được sử dụng để trả cho người vay là Bitcoin, Ethereum và USDT. Theo phía cung cấp dịch vụ, việc sử dụng các đơn vị tiền tệ này để trao đổi sẽ không vướng vào các thủ tục pháp lý. "Đây chỉ là đổi hàng lấy hàng, không sử dụng tiền Việt nên không sao", phía cung cấp dịch vụ cho biết.
Tuy vậy, nếu có nhu cầu đổi tiền điện tử ra tiền mặt, dịch vụ này cũng hỗ trợ người vay theo hình thức giao dịch trực tiếp.
Dịch vụ cầm cố tiền số trên áp dụng lãi suất 0,17%/ngày, lãi thu theo tuần cho hơn 100 loại tiền số. Sau khi nhập số lượng tiền số muốn cầm, phía dịch vụ sẽ thông báo số tiền nhận được của người vay. Theo quy định của phía dịch vụ, người vay chỉ được nhận 60% số tiền tương đương giá trị loại tiền mã hóa thời điểm vay.
"Nếu loại tiền số của người vay giảm quá 30% giá trị hay thị trường có biến động, chúng tôi sẽ thông báo cho khách. Khách vay cũng có thể đặt mức giá mong muốn, nếu tiền số lên đúng giá đó, chúng tôi sẽ bán giùm", Trần. C, nhân viên của dịch vụ cầm tiền nói.
Từ cuối năm 2017, thị trường tiền số lao dốc trầm trọng và không có dấu hiệu phục hồi.
"Với lãi suất 0,17% ngày, mỗi năm người vay phải trả 62,05%. Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay không được vượt quá 20%. Vì vậy đây là loại hình cho vay nặng lãi", luật sư Phan Vũ Tuấn từ công ty luật Phan Law Vietnam cho biết.
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay,
Theo phía cung cấp dịch vụ, loại hình cầm cố này phục vụ cho những khách hàng trót mua nhầm "coin rác", những đồng tiền ảo có giá trị nhỏ và biên độ lợi nhuận thấp. "Mang coin đi cầm, khách vay vừa có tiền dùng Tết hoặc đầu tư, vừa có thể giữ lại được loại tiền đã mua chờ ngày tăng giá", phía dịch vụ giới thiệu.
Về phần cam kết, phía cho vay tuyên bố không chịu trách nhiệm nếu thị trường sụp đổ.
"Hơn một tháng nay có khoảng vài chục người đến cầm tiền số rồi. Số tiền số cầm có tương đương từ vài chục đến vài trăm triệu đồng", Trần. C nói.
Từ cuối tháng 11/2018, giá Bitcoin và nhiều đồng tiền số khác giảm xuống dưới mức chi phí khai thác. Điều này dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư máy giải mã thuật toán rút điện không khai thác.
Công ty máy đào lớn nhất thế giới, Bitmain cũng đóng cửa nhiều nhà xưởng và trung tâm nghiên cứu vì không chịu nổi sức ép từ thị trường. Nhiều chuyên gia dự đoán Bitcoin đã quay về giá trị thật thay vì được nhiều người kỳ vọng như trước đây.
Theo Mati Greenspan, chuyên gia phân tích thị trường tại sàn giao dịch tiền ảo eToro, nếu không có tác động nào quá lớn, giá Bicoin sẽ tiếp tục dao động quanh mức 3.000 USD đến 3.500 USD thay vì phạm vi 3.000-5000 USD trong năm 2018.
Theo số liệu từ Coinmarketcap, Bitcoin, tiền điện tử lớn nhất tính theo tổng giá trị thị trường, đã giảm 4,8% vào sáng thứ 2 (28/1), xuống mức 3.388 USD/1 BTC. Đây là giá thấp nhất tính từ ngày 17/12/2018. Các đồng tiền điện tử khác cũng chịu chung số phận suy giảm như Ethereum (giảm 7,21%), Litecoin (giảm 4,7%) và Bitcoin Cash ( giảm 8,77%).
Theo Zing
Tưởng tượng đến lúc bạn chỉ cần kết nối Wi-Fi, điện thoại của bạn đã được sạc. Cuộc đời sẽ tuyệt vời và tiện lợi tới mức nào!
Đây là ví dụ về khoa học viễn tưởng bước ra đời thực: các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts và một số nơi khác tạo ra thiết bị đầu tiên có thể chuyển đổi tín hiệu Wi-Fi thành dòng điện một cách hiệu quả và linh hoạt. Dòng điện chuyển từ tín hiệu Wi-Fi sang có thể sạc được luôn cho thiết bị.
Nếu như nó đủ hiệu quả, có thể sản xuất đại trà, thiết bị thông minh tương lai sẽ không cần tới pin nữa, hoặc ít nhất là không cần tới dụng cụ sạc làm gì.
Thiết bị có thể chuyển đổi sóng điện từ xoay chiều thành dòng điện một chiều được gọi là rectenna – một loại ăng-ten đặc biệt với khả năng chuyển sóng vô tuyến thành điện năng. Trong buổi thử nghiệm, các nhà khoa học trình diễn loại rectenna hoàn toàn mới, sử dụng ăng-ten tần số vô tuyến linh hoạt để thu nhận sóng điện tử - tính cả những sóng mang "Wi-Fi" đến cho điện thoại của bạn – dưới dạng sóng xoay chiều.
Sau đó, người ta nối ăng-ten với một thiết bị đặc biệt phức tạp, làm từ thiết bị bán dẫn 2 chiều, có độ dày chỉ vài nguyên tử. Tín hiệu sóng xoay chiều đi vào thiết bị bán dẫn, được chuyển đổi thành dòng điện một chiều, có thể đưa vào một mạch kín để sạc pin.
Bằng cách này, thiết bị thử nghiệm không dùng pin có thể biến thẳng tín hiệu Wi-Fi thành dòng điện một chiều, trực tiếp dùng điện đó để vận hành. Chưa hết, các nhà khoa học có thể móc nối thiết bị thành một mạng lưới lớn, cung cấp năng lượng cho cả một khu vực rộng.
"Nếu như ta có thể phát triển hệ thống điện chỉ hoạt động trong một khu vực cầu, hoặc cung cấp năng lượng cho một đường cao tốc dài thì sao, hay thậm chí là tường phòng, mang trí tuệ của điện năng tới sự vật vốn tồn tại quanh ta? Vậy ta làm sao để cung cấp năng lượng cho nó?", đồng giác giả nghiên cứu, giáo sư Tomás Palacios mở màn bài diễn thuyết. "Chúng tôi đã tìm ra cách thức mới để cung cấp năng lượng cho hệ thống điện của tương lai – bằng cách lấy điện từ chính Wi-Fi, có thể ứng dụng hệ thống với quy mô khu vực, mang trí thông minh tới mọi sự vật quanh ta".
Ứng dụng dễ thực hiện nhất là cung cấp năng lượng cho đồ điện tử đeo trên người, thiết bị y tế hay cảm biết cho các thiết bị "Internet vạn vật". Ngành sản xuất smartphone có lẽ sẽ chú ý tới công nghệ mới lắm đây: một thiết bị smartphone không chạy pin, hoạt động hoàn toàn bằng điện từ Wi-Fi sẽ tuyệt vời ra sao.
Trong các thử nghiệm ban đầu, thiết bị của các nhà khoa học có thể tạo ra 40 microwatt điện khi gặp sóng Wi-Fi đại trà có khoản 150 microwatt. Từng đó là đủ điện để làm sáng đèn LED hay vận hành chip silicon.
Một ứng dụng khác sẽ là thiết lập liên lạc giữa bác sĩ và thiết bị cấy ghép vào cơ thể. Đơn giản nhất sẽ là một con robot siêu nhỏ được người tới khám nuốt vào như một viên thuốc, con robot sẽ truyền dữ liệu thu được (hình ảnh, nhiệt độ cơ thể, trạng thái môi trường bên trong cơ thể người, …) ra ngoài để chẩn đoán.
"Một hệ thống hiệu quả sẽ không dùng pin, bởi nếu lithium trong pin mà rò ra, người bệnh có thể sẽ tử vong", đồng tác giả nghiên cứu, Jesús Grajal từ Đại học Công nghệ Madrid, nói. "Nếu có thể lấy năng lượng từ môi trường để cung cấp điện cho hệ thống, cho phép nó liên lạc với bác sĩ thì hiệu quả hơn nhiều".
"Thiết kế của chúng tôi cho phép các thiết bị đủ linh hoạt sẽ có thể bắt được đa số những tín hiệu vô tuyến vẫn có trong đời sống hàng ngày, bao gồm Wi-Fi, Bluetooth, sóng điện thoại LTE và nhiều loại sóng khác nữa", một tác giả khác của nghiên cứu, anh Xu Zhang nói.
Đội ngũ nghiên cứu dự định sẽ dựng lên một hệ thống phức tạp hơn để công nghệ hiệu quả hơn nữa. Có được kết quả ngày hôm nay là nhờ nỗ lực từ một loạt các cơ quan nghiên cứu hàng đầu: Đại học Công nghệ Madrid, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Quốc tế của MIT cùng một loạt cơ sở nghiên cứu thuộc quân đội khác.
Theo GenK
Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) CBTT về Báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất Quý 4/2018
Độc chiêu của Jack Ma: Chi hơn 70 triệu USD lì xì cho khách hàng qua Alipay, chẳng ai 'thoát khỏi' hệ sinh thái dịch vụ khổng lồ của Alibaba!
Thời điểm này, người dân Trung Quốc đang tất bật đón tết âm lịch. Theo truyền thống, vào mỗi dịp đầu năm mới, mọi người sẽ trao cho nhau phong bao lì xì đỏ (hồng bao) trong đó có chứa những đồng tiền may mắn để mong ước về sự thịnh vượng và tài lộc.
Riêng với những công ty công nghệ, đây là thời điểm bước vào trận chiến khốc liệt để thu hút, giữ chân người dùng với những dịch vụ riêng biệt của họ thông qua những chiêu trò khuyến mại.
Alipay – công cụ thanh toán bên thứ 3 lớn nhất cả nước về thị phần đã tuyên bố vào ngày thứ 2 tuần này rằng năm nay họ sẽ gửi đến khách hàng tổng cộng 500 triệu NDT (tương đương 73,6 triệu USD) khoản "lì xì kỹ thuật số" khi tham gia vào chiến dịch nhằm tăng cường sự gắn kết của khách hàng với ứng dụng Alipay.
Cụ thể, kể từ 25/1 – 4/2, một trò chơi thực tế ảo cho phép người dùng thu thập những phong bao lì xì đỏ bằng việc quét được ký tự "fu" – biểu tượng cho sự may mắn và tài lộc tại Trung Quốc.
Hoạt động này nhắm tới việc tận dụng truyền thống của người Trung Quốc để quảng bá dịch vụ thanh toán di động của Alibaba. Chúng cũng gắn với loạt sự kiện quảng bá cho hệ sinh thái các dịch vụ của Alipay, từ hệ sinh thái Ant Forest tới Huabei – một dịch vụ tín dụng.
Ví dụ, những người thu thập được 5 ký tự "fu" đại diện cho những lời chúc khác nhau sẽ có thể đổi ra tiền mặt. Nếu nhiều hơn, họ sẽ nhận được những lời đề nghị khác như một chuyến du lịch tới châu Âu xem bóng đá hay được hoàn trả lại cả năm cho tất cả các khoản vay trên Huabei.
Công ty nói rằng khoảng 100 triệu người đã tham gia hoạt động này kể từ khi ra mắt vào năm 2016. Nó cũng chứng kiến sự tham gia của 70 triệu người già và người dùng từ 2.000 thành phố ở nước ngoài trong 3 năm liên tiếp.
"Người Trung Quốc có truyền thống gửi lời chúc và bao lì xì tới người khác trong dịp năm mới, biến đây trở thành khoảng thời gian tốt nhất cho các công ty xây dựng nhận diện thương hiệu và tăng lượng người dùng trên các ứng dụng của họ đặc biệt là ở các vùng nông thôn", theo Neil Wang – chủ tịch công ty tư vấn Frost & Sullivan.
Trong những năm gần đây, các công ty Internet lớn ở Trung Quốc cũng tranh giành nhau trở thành nhà tài trợ cho gala Truyền hình mùa xuân để thúc đẩy quảng bá chiến dịch phong bao lì xì đỏ kỹ thuật số - cho phép họ giữ lượng người dùng trung thành với ứng dụng của họ lâu nhất có thể trong suốt dịp nghỉ lễ quan trọng nhất năm.
Cùng với WeChat, Taobao và Alipay, công ty tìm kiếm Baidu cũng tham gia vào đường đua năm nay bằng việc rút hầu bao tới 1 tỷ NDT tiền lì xì kỹ thuật số gửi đến người dùng trong dịp tết.
Tiền lì xì dạng này sẽ được đổ trực tiếp vào tài khoản trên ứng dụng của người nhận. Người dùng có thể sử dụng để mua hàng trong tương lai thông qua ứng dụng hay biến thành món quà cho bạn bè và người thân – những người cũng sử dụng các ứng dụng tương tự. Đây là cách tốt nhất để thúc đẩy thêm những người dùng mới và tăng cường sự gắn kết đối với những khách hàng hiện tại.
Tencent – đơn vị đầu tiên đưa ra ý tưởng về bao lì xì kỹ thuật số vào năm 2014 lại không cung cấp những chiến khấu mạnh tay trong năm nay.
Thị trường thanh toán trị giá 43,8 nghìn tỷ USD của Trung Quốc bị thống trị bởi Alipay (53,7%) và WeChat Pay (38,8%).
Theo Tri Thức trẻ
Hình ảnh tấm banner cỡ lớn mang tên "Make in Viet Nam" mới đây được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Người thì cho rằng cụm từ trên đang viết sai chính tả, từ chuẩn phải là "Made in Viet Nam". Người am hiểu hơn thì cho rằng từ này gần với chiến dịch "Make in India" - chiến dịch nhắm mục tiêu biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Nhưng đối chiếu lại cách dùng cụm từ này và bối cảnh của nó, thì có vẻ các cách hiểu trên đều đang nhầm…
Trước khi tìm hiểu ý nghĩa thực chất của từ này, trước hết hãy cùng xem bối cảnh sử dụng cụm từ này tại Việt Nam!
"Make in Viet Nam"(*) lần đầu được dùng ở đâu?
Theo tìm hiểu của người viết, cụm từ " Make in Viet Nam " được dùng một cách công khai lần đầu tại sự kiện ra mắt xe VinFast chiều 20/11/2018 tại Hà Nội.
Lễ ra mắt này được lồng ghép trong sự kiện Lễ phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Tại sự kiện này, cụm từ "Make in Viet Nam" được TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sử dụng.
"Phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" thực chất là cuộc vận động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và thương hiệu Việt. "Make in Viet Nam" - sản xuất bởi Việt Nam để phục vụ cho đồng bào mình và vươn ra thị trường thế giới. Cuộc vận động phải triển khai một cách toàn diện: từ nhận thức tới nâng cao năng lực, xây dựng nền tảng văn hóa, đổi mới công nghệ, nâng cấp quản trị, tăng cường kết nối, tổ chức công tác tiếp thị và phân phối..."
"Đây là yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập", TS. Lộc nói.
"Make in Viet Nam" được dùng trong ngành ICT khi nào?
Sản phẩm "Make in Viet Nam" được trình diễn tại Myanmar hồi tháng 12/2018. Nguồn: MIC.
Trên Cổng TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông, cụm từ "Make in Viet Nam" được sử dụng trong tin hoạt động của Bộ vào ngày 24/12/2018.
Theo đó, tại Diễn đàn Công nghệ Thông tin - Truyền Thông Việt Nam – Myanmar với chủ đề "Chuyển đổi số trong Chính phủ" tổ chức tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam đã mang đến các sản phẩm và giải pháp "Make in Viet Nam" với những trải nghiệm thực tế tại triển lãm được tổ chức bên lề Diễn đàn. Các sản phẩm đó gồm Bphone của BKAV, MyTel của Viettel cùng các sản phẩm công nghệ của VNPT.
Cụm từ "Make in Vietnam" một lần nữa được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhắm tới việc phát triển IoT (Internet vạn vật) là định hướng trọng tâm trong thời gian tới của Bộ để tạo bước đột phá, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam mang nhãn hiệu "Make-in-Viet Nam" vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, cụm từ này cũng bị một số đơn vị truyền thông hiểu lầm là sai chính tả và đã sửa lại thành "Made-in-Viet Nam".
"Make in Viet Nam" có ý nghĩa giống "Make in India" hay không?
Ảnh: livemint.com.
Cũng có người cắt nghĩa từ "Make in Viet Nam" mang hàm ý tương tự như chiến dịch " Make in India " mà Ấn Độ đã làm rất thành công từ năm 2014. "Make in India" là một sáng kiến được Chính phủ Ấn Độ khởi xướng vào tháng 9/2014 với mục tiêu chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu (global manufacturing hub). Kết quả, Ân Độ đã nổi lên thành một điểm đến hàng đầu toàn cầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 60 tỷ USD FDI năm 2015, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc.
Hiểu nôm na, "Make in India" là chiến dịch biến Ấn Độ thành công xưởng gia công. Nhiều người cho rằng "Make in Vietnam" dịch nghĩa đen là "Hãy làm ở Việt Nam". Còn "Made in Vietnam" là "Được làm tại Việt Nam".
Tuy nhiên, "Make in Viet Nam" có mang hàm ý biến Việt Nam thành "công xưởng gia công " như vậy? Không hề. Xem xét những yếu tố sau sẽ rõ:
- Banner "Make in Viet Nam" xuất hiện ở đâu?
"Make in Viet Nam" là tên triển lãm công nghệ, được tổ chức bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Banner mang tên "Make in Viet Nam" được treo tại sự kiện này.
- Sự kiện treo Banner "Make in Viet Nam" có những doanh nghiệp/sản phẩm gì?
Mobifone, VCCorp, Viettel... đều là những doanh nghiệp mang đến triển lãm các sản phẩm thuần Việt. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Các doanh nghiệp tham gia triển lãm là doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông lớn của Việt Nam, gồm Mobifone (với công nghệ nhận diện hình ảnh), VCCorp , Robot phục vụ nhà hàng của Misa, camera giám sát thông minh của Viettel, BPhone của BKAV…
Với một triển lãm toàn doanh nghiệp Việt và các sản phẩm thuần Việt, rõ ràng "Make in Viet Nam" không thể mang hàm ý gia công tại Việt Nam như chiến lược "Make in India" của nước bạn.
Về ý nghĩa của cụm từ này, một vị lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tham gia triển lãm nói trên cũng bình luận: "Trong trường hợp này là "được tạo ra ở Việt Nam", "do người Việt làm ra" chứ không có hàm ý gia công tại Việt Nam".
(*) Theo thông lệ quốc tế, tên quốc gia Việt Nam được quy ước viết là Vietnam. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chỉ phân tích về ý nghĩa của slogan, bởi vậy chúng tôi xin giữ nguyên văn cụm từ "Make in Viet Nam" của ban tổ chức.
Theo CafeF
Năm 2019 có thể là một năm thách thức của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi hàng loạt dự án được đưa vào vận hành, cộng với hàng loạt dự án mới được đầu tư. Nguồn cung mới vẫn tập trung chủ yếu ở những địa phương quen thuộc như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận.
Theo ý kiến của giới chuyên gia, thị trường BĐS biển luôn đi sau thị trường nhà ở khoảng một năm. Bắt đầu từ giai đoạn 2014, khi nhà đất TP.HCM thoát khỏi vùng trũng, ấm dần lên thì đến 2015, thị trường BĐS biển trỗi dậy với loạt dự án tầm cỡ.
Theo đó, trong giai đoạn đầu chu kỳ, các ông lớn tập trung lăng xê địa danh quen thuộc và đổ dòng tiền vào biệt thự biển xây sẵn, condotel cao cấp với mức giá chào bán khá cao. Tuy nhiên sau một thời gian có biểu hiện chững lại, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng tạo nên bức tranh đa màu cho phân khúc ven biển.
Nửa cuối 2018, thị trường ven biển đã chứng kiến sự đổ bộ của những địa danh hoàn toàn mới với giá trị đầu tư vừa tầm, được xem là bắt đúng mạch khách hàng thời điểm hiện tại. Theo nhận định của GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thị trường bất động sản 2018 phát triển ổn định, dự báo năm 2019 thị trường sẽ tiếp tục phát triển tốt. Trong đó, với bất động sản nghỉ dưỡng không cần lo "bong bóng" hay thừa cung, dư địa còn nhiều.
Công ty nghiên cứu CBRE Việt Nam cũng vừa công bố báo cáo tiêu điểm về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng với ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam bình quân đạt 27% trong 2 năm qua và thuộc những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư hấp dẫn và là một sản phẩm thể hiện phong cách sống của tầng lớp khá giả.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, sự bùng nổ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển Việt Nam được châm ngòi bởi những yếu tố như cơ sở hạ tầng cải thiện, lượng du khách quốc tế và trong nước tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm ngày càng đa dạng và chất lượng cao.
"Cũng không thể phủ nhận một thực tế là bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hội tụ đầy đủ những yếu tố này nên dễ hiểu tại sao thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chưa bao giờ hết nóng", bà Dung nhấn mạnh.
Đơn vị này cung cấp số liệu cho thấy hiện 4 thị trường lớn gồm Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, lượng cung giới thiệu ra thị trường vào khoảng 30.000 căn hộ khách sạn (condotel). Bên cạnh đó, cũng có khoảng 5.500 căn biệt thự nghỉ dưỡng đã được tung ra thị trường, và tỷ lệ hấp thụ cũng đạt khoảng 90%. Thị trường cũng đang xuất hiện những khu vực mới nổi khác nằm trong vòng bán kính không xa các địa điểm trên.
Đơn cử như từ giữa năm 2017, thị trường BĐS Đà Nẵng là một trong những điểm “nóng” về giá của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự án quy mô lớn xuất hiện mang đến nhiều sản phẩm ở các phân khúc khác nhau, khiến thị trường BĐS diễn ra rất sôi động; đặc biệt là phân khúc condotel và đất nền ven biển của các dự án phát triển đô thị.
Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều người cho rằng tỉnh này bỗng nhiên "được mùa" dự án nghỉ dưỡng khi trong một thời gian rất ngắn xuất hiện hàng loạt đại gia địa ốc toan tính rót vốn đầu tư vào đây. Chẳng hạn, tập đoàn Tuần Châu, BRG, FLC, Novaland, DIC, Hưng Thịnh Corp., đều đang làm việc với chính quyền địa phương để tìm quỹ đất cho các dự án khu nghỉ dưỡng siêu sang rộng hàng trăm hecta.
Trong khi đó, riêng tại thị trường Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều nhà đầu tư sau một thời gian ồ ạt bung tiền gom đất đón đầu cơ hội nơi này trở thành đặc khu, nay đã và đang âm thầm rút vốn để chuyển hướng đầu tư mới. Trước đó, Ninh Thuận cũng nhanh chóng trở thành ẩn số đáng gờm với sự xuất hiện của loạt dự án nghỉ dưỡng hạng sang dọc những vị trí đắc địa ven biển.
Điển hình nhất là "hiện tượng" tập đoàn Novaland chuyển hướng đầu tư sang mô hình dự án nghỉ dưỡng khép kín khi "thử nghiệm" một bước tiến mới tại TP Cần Thơ với dự án nghỉ dưỡng hợp túi tiền, kéo theo đó là FLC cũng đang làm việc với chính quyền địa phương này để đầu tư một khu nghỉ dưỡng khác tại Cồn Ấu, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền...
Song song đó, Novaland cũng đang triển khai đầu tư một siêu dự án rộng gần 1.800ha tại Mũi Né và dự án Nova Hills ngay thiên đường nghỉ dưỡng Phan Thiết. Mới đây, Novaland vừa công bố chiến lược đầu tư năm 2019, trong đó BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục là phân khúc đầu tư mạnh của doanh nghiệp này, mở rộng sang nhiều địa phương khác như tại Cam Ranh (Khán Hoà), TP. Vũng Tàu....
Không bỏ lỡ cơ hội thị trường này, "ông lớn" FLC cũng đang làm việc với tỉnh Bình Thuận về việc xúc tiến đầu tư khu nghỉ dưỡng rộng hơn 1.000ha.. Cạnh đó là siêu dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận do Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án có diện tích đất hơn 1.169 ha, với tổng vốn đầu tư 14.602 tỷ đồng cũng đang được gấp rút thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng trong quý 1/2019...
Đánh giá về thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới, đại diện CBRE cho biết: "Bất chấp việc nguồn cung tăng mạnh tại các phân khúc khác nhau trên cả nước, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. So sánh những điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á như Phuket (Thái Lan), tổng số sản phẩm của bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn còn thấp và tiềm năng tăng trưởng vẫn lớn".
Theo CafeF
KitKat xì dầu, KitKat mù tạt, KitKat dấm táo ... những hương vị lạ đời nằm trong danh sách hơn 300 loại KitKat “chẳng giống ai” tại Nhật Bản, luôn nằm trong cặp sách học sinh vì được tin là sẽ mang lại may mắn vào những ngày thi cử.
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Xuất hiện tại Nhật Bản vào những năm 1970s, dù đón đầu xu hướng chuộng bánh kẹo ngoại của người dân vào thời điểm đó nhưng doanh thu của KitKat lại không mấy đặc biệt.
Kế hoạch: Tái định vị bản thân thành "sản phẩm thay thế bánh gạo", KitKat liên tục cho ra đời hàng loạt mùi vị đặc trưng cho mỗi vùng miền và phân phối chủ yếu tại cửa hàng lưu niệm.
Kết quả: 2 nhà máy sản xuất riêng cho nội địa, 4 triệu thanh kẹo được bán mỗi ngày. KitKat bùng nổ trở thành một nét văn hóa của riêng Nhật Bản, biến đây thành thị trường tiêu thụ KitKat lớn nhất thế giới.
Những bậc thầy marketing
Vào năm 2015, giám đốc marketing KitKat, Ryoji Maki, nhận được một chiếc cúp hình thanh Kitkat mạ vàng cho những cống hiến trong năm. Tuy không nhớ nổi những cống hiến đó là gì, nhưng Maki lại cực kỳ tự hào về ý tưởng xuất phát từ nó.
"Chiếc cúp là cảm hứng để tôi đề xuất thanh KitKat mạ vàng ăn được". Maki cho hay: "Với giá 18 USD, KitKat vàng bán đắt như tôm tươi tại Tokyo."
Ý tưởng độc đáo của Maki đã gia nhập danh sách dài (và sẽ còn dài hơn) với 300 vị Kitkat khác nhau chỉ có tại Nhật Bản. Những mùi vị này hấp dẫn đến mức rất nhiều du khách đã quyết định đặt chân một lần đến đất nước mặt trời mọc chỉ để thưởng thức KitKat và mua về làm quà.
KitKat tại Nhật bản đã đi sâu vào văn hóa của quốc gia, với các vị như rượu sake, mù tạt wasabivà trà xanh macha, ngoài ra còn một số vị "lạ" như: muối Pháp, nho Địa Trung Hải, hay dấm táo …
Maki nói thêm: "Mọi người cứ nghĩ rằng chúng tôi cố tình tạo ra thật nhiều mùi vị "quái đản" để tạo scandal. Nhưng trên thực tế KitKat chỉ muốn đa dạng hóa sản phẩm của mình."
KitKat và truyền thống "đi chơi phải có quà"
KitKat lần đầu xuất hiện trên thị trường với tên gọi "Rowntree's Chocolate Crisp" vào năm 1935 tại Anh, sản phẩm hướng tới tầng lớp lao động với giá bán thấp do tận dụng được những mẫu KitKat bị vỡ trong quá trình sản xuất để tái sử dụng thành nhân bánh. Vào năm 1937, sản phẩm này mới được đổi tên thành "Kit Kat Chocolate Crisp."
Với hương vị thơm ngon của mình, KitKat nhanh chóng xuất hiện tại Canada, Nam Phi, Ireland, Australia và New Zealand vào những năm 1950. Mãi đến năm 1973, KitKat mới chính thức đặt chân tới đất nước mà nó sẽ trở thành huyền thoại – Nhật Bản.
Sau một thời gian dài phát triển không mấy nổi bật, KitKat bắt đầu chú tâm hơn vào thương hiệu và kênh phân phối. Vào đầu những năm 1990s, KitKat tiến sâu vào Hokkaido, vùng đất phía Bắc với nền du lịch phát triển nhất nhì nước.
Tự định nghĩa bản thân là "sản phẩm thay thế bánh gạo", KitKat xuất hiện khắp các cửa tiệm lưu niệm trong khu vực với mong muốn trở thành một sản phẩm "mua về làm quà".
"Trước khi có KitKat, bạn chỉ tìm được bánh gạo ở các quầy lưu niệm khắp cả nước", theo Takuya Hiramatsu, đại diện của Nestle Nhật Bản: "Với truyền thống mua quà mỗi khi đi du lịch, những người ở nhà không khỏi ngán ngẩm khi nhận được bánh gạo hết lần này tới lần khác."
Sau khi KitKat hương dâu được bán độc quyền ở Hokkaido và trở thành một hiện tượng trong ngành du lịch, KitKat bắt tay vào sáng chế hàng loạt hương vị độc lạ cho từng vùng miền, như KitKat mù tạt ở tỉnh Shizuoka, KitKat nhân đậu đỏ ở vùng Kanto, KitKat lá đỏ tại Hiroshima ...
Và những hương vị độc đáo đó hoàn toàn không phải là "chiêu trò" marketing vì mùi vị cũng được khách hàng đánh giá rất cao. KitKat hương chanh với vị chua đặc trưng, KitKat matchakhông chỉ ngọt mà còn hơi đắng, còn hương mù tạt có hẳn nhiều cấp độ cay khác nhau, khuyến khích khách hàng mua nhiều loại để "thử thách" với bạn bè.
Xâm nhập vào văn hóa
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", KitKat cực kỳ may mắn khi phát triển tại Nhật Bản vì theo cách phát âm của người dân, KitKat sẽ được đọc là "kitto kattsu" - đồng nghĩa với chữ "chắc chắn thành công".
Nestle nắm lấy cơ hội đó vào năm 2009 khi hợp tác với nhiều doanh nghiệp giao nhận để tung ra chiến dịch "Thư KitKat". Mỗi bưu kiện sẽ gồm một gói KitKat và một thấm thiệp chúc may mắn để gửi đến những sĩ tử trước kỳ thi Đại học khắc nghiệt.
Vào tháng 3 năm 2011, một trận động đất kèm sóng thần đã gây thiệt hại vô cùng lớn khắp bờ biển cả nước, hàng loạt người dân lại tiếp tục gửi những bưu phẩm chứa đầy KitKat tới những vùng thiệt hại nặng với dòng chữ "kitto fukkyu kanau" (tạm dịch: Bạn chắc chắn sẽ hồi phục).
Nestle Japan còn chủ động hỗ trợ thiệt hại cho đường ray Sanriku nổi tiếng, một phiên bản KitKat đặc biệt được tung ra để quyên góp tiền hỗ trợ xây dựng đường tàu này. Khi công trình hoàn tất vào năm 2014, KitKat tiếp tục hỗ trợ trang trí 2 toa tàu và cho phép người dân đổi KitKat lấy vé tàu để lấp đầy ghế trống.
Hiện quá trình sáng tạo ra mùi vị mới của KitKat được rút ngắn chỉ trong vòng 6 tháng từ ý tưởng đến các điểm bán lẻ. Nhưng không phải cứ tung ra là thành công, vào năm 2010, nhiều hương vị như KitKat Cola, KitKat nước chanh … buộc phải ngừng kinh doanh vì doanh thu ế ẩm. Vào năm 2009, "KitKat nước tăng lực" cũng nhanh chóng bị tháo khỏi kệ sau một thời gian thất bát.
Nhưng không vì thế mà nản lòng, KitKat tiếp tục tung ra hương "kẹo ngậm ho" vào hè năm 2018 để ủng hộ đội nhà tham dự World Cup, tập đoàn này nghĩ rằng người dân sẽ ra sức hò hét để ủng hộ đội tuyển Nhật Bản, vì thế, KitKat vừa có thể bổ sung năng lượng, vừa giúp họ làm dịu cơn đau họng để tiếp tục "chiến đấu".
Vào năm ngoái, KitKat còn mở cửa hàng Chocolatory trên Ginza, con phố sầm uất nhất thủ đô Tokyo. Chocolatory tập trung phân phối các hương vị "sanh chảnh" nhất của KitKat như: Cocktail hương cam, hay Trà xanh hoa anh đào …
Từ năm 2010 đến năm 2016, doanh thu KitKat tại Nhật Bản đã tăng hơn 50%, Nestle còn mở thêm một nhà máy chuyên sản xuất KitKat để theo kịp nhu cầu tiêu thụ đang ngày một phát triển trong nước.
Đối với hương vị, KitKat cho ra đời hơn 20 sản phẩm mới mỗi năm, và các hương vị sẽ liên tục được hoán đổi tại các cửa hàng tiện lợi mỗi 2 tháng nhằm đảm bảo chất "đa dạng" của mình.
Chiến thuật trên đã giúp KitKat giữ chắc ngôi vương ngành bánh kẹo tại Nhật Bản và đồng thời biến đất nước mặt trời mọc thành thị trường tiêu thụ KitKat lớn nhất thế giới.
Theo CafeF
Theo thông tin từ Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT sẽ thuê tư vấn thẩm định giá để xác định giá khởi điểm băng tần 2.6 GHz cho 4G. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ tiến hành đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G trong tháng 3/2019.
Sẽ đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G trong tháng 3/2019
Sẽ đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G trong tháng 3/2019Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Bộ TT&TT sẽ thuê tư vấn thẩm định giá để xác định giá khởi điểm băng tần 2.6 GHz cho 4G. Cục Tần số sẽ phối hợp với Cục Viễn thông, Vụ Pháp chế để xây dựng nội dung phục vụ quy chế đấu giá. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ tiến hành đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G trong tháng 3/2019.
Mới đây, Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ TT&TT trước quý II năm 2019 phải tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc cho nhà mạng để cấp phép băng tần 2.6 GHz triển khai mạng 4G theo hình thức thi tuyển, đấu giá, cấp phép băng tần theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G bởi thực tế việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ. Theo thống kê thì tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới.
Trước đó, tại buổi họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các bộ ngành sáng 26/7/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đề nghị các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm băng tần 4G. Hiện lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Hiện tốc độ trung bình Inetrnet của Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G và hiện có 4 doanh nghiệp đăng ký. Đây là những doanh nghiệp đã triển khai mạng 4G thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, giữa các bộ ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện việc cấp phép.
Phát biểu tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định mong muốn các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm cho doanh nghiệp, không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tần số Vô tuyến điện cũng cho hay, sở dĩ việc cấp cấp phép băng tần 2.6GHz chậm, do vướng Luật đấu thầu. Vì vậy Bộ TT&TT đang xin ý kiến Bộ Tài chính về việc xác định giá trị tài sản.
Luật Đấu thầu đang làm trở ngại lớn nhất cho việc tiến hành đấu thầu băng tần cho 4G vậy nên các nhà mạng mới chỉ tận dụng các băng tần đã được cấp cho 2G và 3G để cung cấp dịch vụ 4G. Vì vậy, các nhà mạng kêu thiếu băng tần và khó đảm bảo chất lượng 4G cung cấp cho khách hàng là điều dễ hiểu.